KHIẾT TỊNH VÀ TÌNH YÊU THÁNH HIẾN

(Riêng tặng các chị em Đaminh Tam Hiệp)

Trần Mỹ Duyệt

 

Trong linh đạo của thánh Catarina Siena có đề cập đến căn phòng nhỏ trong linh hồn, mà theo thánh nữ, đó là nơi mà thánh nhân thường xuyên ra vào để gặp gỡ “Đấng Tình Quân” của mình. Điều này khiến chúng ta nhớ lại căn nhà Bêtania, nơi đó, Chúa Giêsu cũng hằng lui tới nghỉ ngơi trên bước đường truyền giáo. Vậy ở căn phòng thiêng liêng và nơi phòng khách của căn nhà Mátta, Maria, Lazarô tại Bêtania, bằng cặp mắt tâm linh và cặp mắt thể lý chúng ta thấy gì? Và chúng ta có thể hình dung ra những gì đang diễn ra tại hai không gian ấy?    

Trong căn phòng thiêng liêng của Catarina, có Catarina ngồi dưới chân Chúa, và trong phòng khách nhà Maria, cũng có Maria ngồi dưới chân Chúa. Cả hai đều ngồi đó, không làm gì hết ngoài việc nghe và tâm sự với Ngài. Nhưng việc làm của hai con người này lại là những việc làm khiến Chúa vui, và dĩ nhiên là Ngài rất hạnh phúc. Chính Chúa Giêsu đã cho biết như vậy khi Ngài lên tiếng bênh vực cho Maria: “Mátta, Mátta,  con lo lắng và bực bội về nhiều chuyện. Chỉ có một việc cần. Maria đã chọn phần nhất, và sẽ không ai lấy đi đươc.” (Lc 10:41-42) 

Vậy chuyện cần ấy là chuyện gì? Đó chẳng phải là chuyện tình yêu giữa Chúa Giêsu và Maria, giữa Chúa Giêsu và Catarina đó sao? Và họ nói với nhau những gì? Không ai biết, nhưng những giây phút ấy, chắc chắn là những thời khắc hạnh phúc cho cả Chúa Giêsu, Maria và Catarina.   

Đấng tình quân 

Trong đời sống thánh hiến, chúng ta thường nghe câu: “Khiết tịnh trong ngoài hồn xác”. Đây là lối diễn tả một trong ba lời khấn của bậc tu trì Công Giáo: Vâng lời, khiết tịnh, và khó nghèo. Cách riêng lời khấn khiết tịnh, nó diễn tả một cái gì thật tinh khiết, trong trắng, và thánh thiện của đời sống tận hiến, đặc biệt khi nghĩ về các nữ tu. Họ chính là hình ảnh của các trinh nữ tốt lành mà dầu yêu mến của họ luôn tràn đầy, và ngọn lửa tình yêu thiêu đốt họ trong sự kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà họ nhận là “Tình Quân”, là “Hôn Phu”, là “Thầy”, và là “Chúa”. Chúa của họ đã trở nên tình quân, hôn phu và thầy của họ. Sự trinh nguyên, trong trắng và thánh thiện đã toát ra từ con người họ một cái gì đó khiến cho chúng ta cảm thấy yêu mến, và kính trọng. 

Họ cũng là hình ảnh của mối dây liên kết giữa linh hồn với Chúa Kitô đã được nói đến trong Diễm Tình Ca của Salomon. Nhạc sỹ và cũng là đan sỹ Ân Đức đã diễn tả mối tình ấy một cách rất thiết tha, mặn nồng, và say đắm bằng nhạc phẩm Tình Khúc như sau: 

Lạy Đấng Tình Quân con tôn thờ. Con nay thuộc về Chúa, Chúa nay thuộc về con. Mũi tên nào say đắm bắn trúng con tim hồng. Để từ nay con sống là sống cho, cho tình yêu. Và dầu cho con chết là chết cho, cho tình yêu.

1. Con xin làm nô lệ của tình yêu, con xin làm khí cụ của tình yêu. Cho mọi người nhận biết Chúa yêu thương, cho mọi người thức giấc sau đêm trường.

2. Chúa muốn gì trên bản thể của con, Chúa muốn gì trên cuộc sống của con. Con chỉ là tay trắng với hư không, con chỉ là tỳ nữ bao khốn cùng.

3. Con ước vọng theo Ngài suốt đời con, xin dâng làm lễ vật cuộc đời con. Trong nguyện cầu thanh vắng với hy sinh, để nên lời ca hát khúc ân tình.
 

Khiết tịnh hay đồng trinh 

Dù là khiết tịnh hay đồng trinh trong đời thánh hiến, thì đây là vẻ đẹp riêng biệt, vẻ đẹp thiên đàng mà Chúa đã ban cho Giáo Hội. 

Trinh khiết hay khiết tịnh không phải là độc thân. Đời sống độc thân của các linh mục hay tu sỹ là một lối sống, một đòi hỏi của ơn gọi, nhưng giá trị và ý nghĩa của lời khấn khiết tịnh mới chính là một đặc sủng trổi vượt của đời thánh hiến trong Giáo Hội Công Giáo. Mặc dù trong nhiều sách vở tu đức gần đây có nhắc đến hai từ “độc thân” khi nói về ơn gọi và đời sống tu hành, nhưng xem như quên hoặc ngại không nhắc đến hai từ “khiết tịnh” hay “trinh khiết”. 

Thật ra, ở vào thời đại chúng ta đang sống, không ai lại hẹp hòi hoặc thiển cận đòi hỏi rằng các linh mục, tu sỹ nam nữ là những người còn “trinh”, còn “tinh khôi” theo nghĩa hoàn toàn thể lý. Nhưng sự trinh trắng, tinh khôi tâm hồn và ý chí tận hiến toàn thể thân xác và linh hồn cho Thiên Chúa, cho việc rao giảng Tin Mừng mới là điều cần thiết và bắt buộc. Bởi đó, dù bằng bất cứ cách nào, lời khấn khiết tịnh mới chính là linh hồn của đời sống sống độc thân.   

Nó nhắc nhở chúng ta về một thiên đàng hạnh phúc mà các linh hồn thánh thiện được tận hưởng không chỉ ở đời sau, mà ngay trong cuộc sống hiện tại. Nó đưa tâm trí và linh hồn hòa mình vào dòng suối ân sủng, tình yêu Thiên Chúa, khiến con người tuy đang sống ở trần gian, nhưng đã nếm hưởng được cuộc sống “như các thiên thần.” (Mt 22:30)  

Cũng từ hình ảnh do Chúa Giêsu diễn tả về nước trời và về sự sống lại, chúng ta tìm ra một hình ảnh khác về khiết tịnh, về đồng trinh. Đó là sự khiết tịnh và đồng trinh của nước trời, của lòng yêu mến. Nó không tùy thuộc và bị hạn chế vào tình trạng thể lý. (x. Mt 19:12) 

Yêu và khiết tịnh 

Khi Chúa Giêsu nói về khiết tịnh của nước trời, Ngài dùng hình ảnh những hoạn quan, những người bẩm sinh có vấn đề liên quan đến thể lý, và dĩ nhiên, Ngài cũng không loại bỏ những tai nạn khiến cho ai đó mất đi sự trinh tiết thể lý. Nhưng chắc chắn Chúa không dừng lại ở nghĩa đen của khiết tịnh, mà Ngài chỉ muốn dùng nó như một điều kiện cho những ai yêu mến Ngài, những ai chọn Ngài làm gia nghiệp, và những ai hết lòng vì Ngài. Đó cũng là lý do tại sao dù Ngài nói về khiết tịnh, về thanh khiết nước trời nhưng lại tuyển chọn 12 tông đồ, trong đó duy nhất của một người được coi như đồng trinh là Gioan. Phải chăng Chúa có ý nói lên rằng, sự thanh khiết mà Ngài đòi hỏi không nằm ở ý nghĩa thể lý mà là tinh thần. Đó là một tình yêu trọn vẹn, gắn bó, và không chia cắt. Một tình yêu chung thủy. 

Trong Phúc Âm khi Chúa nói về việc tình yêu đền bù và che lấp tội lỗi (x. Lc 7:47). Ngài nói cho ông Simon biết rằng, người thiếu nữ đang ở trước mặt Ngài tuy tội lỗi rất nhiều, nhưng tình yêu cô dành cho Chúa lớn lao đến nỗi Ngài quên mà không còn nhớ đến tội lỗi của nàng nữa. Cũng như sau khi sống lại, Ngài đã không nói gì với Phêrô về tội lỗi quá khứ, về những bội phản của ông, ngoại trừ Ngài chỉ hỏi ông có một câu: “Có yêu mến Thầy không.” (Ga 21:15). Từ đó chúng ta suy thêm ra rằng, đời sống tận hiến, theo Chúa sẽ được hóa giải hết, sẽ được tẩy trắng hết, và sẽ được đổi mới hết quá khứ chỉ với một tình yêu trọn vẹn, đầy đủ, không chia cắt. 

Tình yêu thánh hiến 

Trong đời sống tình cảm và trong tình trường, những ai đã có một lần yêu, một lần được yêu, và một lần đổ vỡ đều cảm thấy rõ ràng về sức mạnh, sức hấp dẫn và thu hút của tình yêu. Tình yêu dù đơn phương hay song phương, dù ở bất cứ tuổi tác nào, nó vẫn luôn là một điều huyền nhiệm, khó diễn tả. Diễm Tình Ca đã diễn tả sức mạnh của nó như tử thần, dữ dội như âm phủ, và đốt cháy như ngọn lửa thiêng:   

“Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh,

Như chiếc ấn trên cánh tay anh.

Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần,

Cơn đam mê dữ dội như âm phủ.

Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy,

Một ngọn lửa thần thiêng.” (Diễm Ca 8:6) 

Và đó cũng là hình ảnh của khiết tịnh. Chỉ có tình yêu, đôi tình nhân mới có khả năng hy sinh, tận hiến hoàn toàn cho nhau. Chỉ có tình yêu, người tu hành mới có khả năng gìn giữ sự thanh khiết, trinh trong cho Đấng mình yêu mến, và cho lý tưởng tận hiến. 

Trên một ghế đá công viên, hay dưới hàng cây bên một đồi chiều gió hiu hiu thổi, hai người tình nhân ngồi bên nhau họ làm gì và họ nói gì? Có khi không làm gì mà chỉ cần bốn mắt nhìn nhau. Có khi không nói gì mà chỉ để nghe tiếng con tim thổn thức, hòa nhịp đập yêu thương. Cứ như vậy họ có thể ngồi bên nhau cả hàng giờ mà không cần biết những gì đang xảy ra chung quanh. Hình ảnh này cũng là hình ảnh của các linh hồn yêu mến khi họ một mình trong một góc giáo đường, chăm chú nhìn lên Chúa trong Nhà Tạm, hoặc trên Thánh Giá. Trong những lúc như vậy, cả Chúa và linh hồn đều không nói gì? Và cũng không làm gì? Tuy vậy, trong từng nhịp đập của con tim, Chúa và linh hồn đều cảm thấy say đắm, ngất ngây… 

Từ góc độ tình yêu, khi hai người yêu nhau và thực sự trao hiến thân xác, tình cảm và tâm hồn cho nhau. Chỉ như có vậy, họ mới hòa tan và biến mất vào nhau. Đó là sự trao tặng của tình yêu. Và nó cũng nói lên giá trị trinh khiết, thanh khiết trong tình yêu mà Chúa và linh hồn trao cho nhau. Sự trinh khiết của tình yêu, của lòng mến, và của khát khao được chiếm hữu, được hòa tan trong nhau. 

Trong đời sống tình cảm, khi người ta không yêu nhau thì việc chung tình, chung thủy và tận hiến cho nhau là chuyện viển vông, không thực tế, hoặc chỉ là hình thức, bôi bác. Ngoại tình hay mất đi sự thanh khiết tâm linh đến từ hai kẻ không yêu nhau, hoặc tình yêu của họ đã chết! Trinh khiết tâm hồn hay đồng trinh nước trời cũng mang một ý nghĩa tương tự. 

Nếu một linh mục, tu sỹ, hay nữ tu đánh mất lòng yêu mến Thiên Chúa, không còn chọn Chúa Giêsu là gia nghiệp, và không để mình thuộc về Ngài, họ rất dễ “ngoại tình”. Ngoại tình trong tư tưởng và ngoại tình theo nghĩa con người. Và điều này dễ hiểu, vì khi một linh hồn không có Chúa, thì những gì thuộc về trần gian, những ước mơ thế tục sẽ có mặt để thay thế. Đó là lý do tại sao Chúa đòi hỏi cách đặc biệt các linh hồn tận hiến, là phải: “Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn.” (Mt 22: 37). Chỉ có tình yêu say đắm mới giữ linh hồn trong sự chung thủy. Và lửa tình yêu sẽ thiêu hủy đời sống tận hiến, biến nó thành của lễ toàn thiêu dâng lên Đấng mình yêu mến.